(TBTCO) - Thống kê vừa được công bố về tình hình thị trường bất động sản quý I/2023 của Bộ Xây dựng cho thấy, dự án mới được công bố ra thị trường vẫn còn hạn chế về số lượng, nhiều dự án bị ngưng triển khai do vướng mắc về pháp lý… Tuy nhiên, đối với 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, nhìn chung giá nhà phố và chung cư tại nhiều dự án giảm.
Xu hướng giảm giá ở các dự án
Theo Bộ Xây dựng, quý I/2023, số lượng dự án căn hộ chung cư mở bán mới không nhiều, chủ yếu vẫn đến từ phân khúc trung, cao cấp. Tại Hà Nội, một số dự án có mức độ biến động tăng giá trong quý, nổi bật như: Vinhomes Metropolis (Ba Đình) tăng khoảng 3,5%, lên mức 99,1 triệu đồng/m2; Lạc Hồng Westlake (Tây Hồ) tăng khoảng 3,6% lên mức 36,1 triệu đồng/m2, Mandarin Garden 2 (Hoàng Mai) tăng khoảng 4,1%, lên 43,9 triệu đồng/m2.
Một số dự án có mức độ biến động giảm giá trong quý nổi bật như: Home City (Cầu Giấy) giảm khoảng 5,6% xuống mức 44,6 triệu đồng/m2, South Tower (Hoàng Mai) giảm khoảng 6,1% xuống 26,2 triệu đồng/m2, Eco Dream (Thanh Trì) giảm khoảng 5,3% xuống 34,1 triệu đồng/m2.
Tại TP. Hồ Chí Minh, những dự án có biến động tăng giá trong quý như: Cosmo City (quận 7) tăng khoảng 3,8% lên 47,3 triệu đồng/m2, Hưng Vượng 2 (quận 7) tăng khoảng 4% lên 34,8 triệu đồng/m2.
Ngược lại, một số dự án có giá bán đi xuống như: The Grand Manhattan (quận 1) giảm 4,4%, xuống còn 163,6 triệu đồng/m2; The Western Capital (quận 6) giảm khoảng 3,8%, xuống 36,1 triệu đồng/m2; Satra Eximland (Phú Nhuận) giảm khoảng 4,3%, xuống 44,8 triệu đồng/m2; Sài Gòn Intela (Bình Chánh) giảm khoảng 3,9%, xuống 27,5 triệu đồng/m2.
Với các dự án đất nền: Khu đô thị Sài Đồng (Long Biên) giảm khoảng 7,1%, xuống mức 106,6 triệu đồng/m2; The Phoenix Garden (Đan Phượng) giảm khoảng 7,3%, xuống 47,8 triệu đồng/m2, khu nhà ở Minh Đức (Mê Linh) giảm khoảng 10,1% xuống 25,1 triệu đồng/m2.
Trong khi đó, tại TP. Hồ Chí Minh, biến động giá nhà ở riêng lẻ trong dự án trong quý như: Jamona City (quận 7) giảm khoảng 7,1%, xuống mức 134,9 triệu đồng/m2; Hưng Thái (quận 7) giảm 8,6%, xuống 196,4 triệu đồng/m2; Dragon Village (Thủ Đức) giảm khoảng 7,5%, xuống mức 57,2 triệu đồng/m2; The Manhattan (Thủ Đức) giảm khoảng 7,6%, xuống mức 76,8 triệu đồng/m2; Gia Hòa (Thủ Đức) giảm khoảng 9,1%, xuống 105,9 triệu đồng/m2.
Biến động giá đất nền dự án có thể kể đến như: Thạnh Mỹ Lợi (Thủ Đức) giảm khoảng 7,2%, xuống 124,6 triệu đồng/m2; khu dân cư Kiến Á (Thủ Đức) giảm khoảng 7,2%, xuống mức 69 triệu đồng/m2; khu dân cư Phú Nhuận - Phước Long B (Thủ Đức) giảm khoảng 7,8%, xuống 69,7 triệu đồng/m2; Gia Long Riverside Nhà Bè (Nhà Bè) giảm khoảng 6,8%, xuống 57,1 triệu đồng/m2; Bình Mỹ Garden (Củ Chi) giảm 8,1%, xuống 22,6 triệu đồng/m2.
Số lượng môi giới bất động sản bỏ nghề lên đến 50%. Ảnh minh họa
Các số liệu của doanh nghiệp bất động sản… đi xuống
Bộ Xây dựng cho biết, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 3 tháng đầu năm 2023 ước đạt 4,32 tỷ USD, giảm 2,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 228,4 triệu USD, chiếm 5,3%.
Vốn đăng ký cấp mới có 590 dự án được cấp phép với số vốn đăng ký đạt 3,45 tỷ USD, tăng 58,6% số dự án và tăng 0,03% số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 362,5 triệu USD, chiếm 10,5%. Nếu tính cả vốn đăng ký mới và vốn đăng ký điều chỉnh của các dự án thì vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản đạt 403,2 triệu USD, chiếm 8% tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm.
Các doanh nghiệp bất động sản trong quý I/2023 hiện vẫn gặp rất nhiều khó khăn, số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản thành lập mới trong quý giảm (quý I/2023 là 940 doanh nghiệp, giảm 63,2% so với cùng kỳ năm 2022).
Bên cạnh đó, số lượng doanh nghiệp giải thể, ngừng kinh doanh có thời hạn lần lượt là 341 doanh nghiệp (tăng 30,2%) và 1.816 doanh nghiệp (tăng 60,7%) so với cùng kỳ năm trước (số liệu tổng hợp từ Tổng cục Thống kê, Cục Đăng ký kinh doanh - Bộ Kế hoạch và Đầu tư).
Ngoài ra, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản hiện đang gặp nhiều thách thức và phải thay đổi phương án kinh doanh, quản lý như tái cơ cấu nợ, tái cơ cấu hoạt động kinh doanh, thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động.
Nhiều doanh nghiệp dừng triển khai các dự án mới, dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn, có doanh nghiệp giảm đến 50% lực lượng lao động để ứng phó với điều kiện khó khăn hiện tại.
Bộ Xây dựng nhận định, hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là trong tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng, phát hành trái phiếu và huy động vốn của khách hàng dẫn đến doanh nghiệp thiếu vốn phải giãn tiến độ, dừng triển khai thực hiện dự án.
Đặc biệt, lãi suất cho vay, tỷ giá ngoại tệ, giá xăng dầu, giá vật liệu xây dựng tăng, dẫn đến chi phí của doanh nghiệp cũng tăng cao gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Đồng thời, một số tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản đang thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh; phải tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động (dừng, đình hoãn hoạt động đầu tư, thi công xây dựng một số dự án; dừng triển khai các dự án mới; dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn; dừng IPO; có tập đoàn giảm 30% đến 50% lực lượng lao động).
Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/loat-du-an-bat-dong-san-tai-ha-noi-va-tp-ho-chi-minh-dua-nhau-giam-gia-127338.html